Thu phục Trường An Lý Thạnh

Phụng chiếu cần vương

Thạnh khỏi bệnh, sắp tiến quân, thì xảy ra loạn Chu Thử, Đức Tông chạy ra Phụng Thiên, ban chiếu gọi ông cần vương. Thạnh nhận chiếu thì rơi nước mắt, lập tức muốn lên đường. Trương Hiếu Trung cậy vào Thạnh để chống lại Chu Thao, Vương Vũ Tuấn, không muốn để ông đi, nhiều lần tìm cách ngăn cản. Thạnh bèn để con trai ở lại làm con tin, định hôn ước với Hiếu Trung, còn gởi cả ngựa tốt. Thạnh lại cởi đai lưng tặng cho sứ giả của Hiếu Trung, tỏ ý kiên quyết lên đường. Sứ giả nhận đai thì cảm phục, quay về khuyên can Hiếu Trung. Thạnh không bị cản trở, đưa quân theo Phi Hồ Đạo [10] đi Đại Châu [11], có chiếu gia ông chức Kiểm hiệu công bộ thượng thư, Thần Sách hành doanh tiết độ sứ, thực phong 200 hộ. Thạnh từ Bồ Tân thuộc Hà Trung mà sang Vị Bắc, đắp lũy ở Đông Vị Kiều [12] để uy hiếp Chu Thử. Thạnh giữ quân lệnh nghiêm túc, không phạm đến một cây củi của dân chúng.

Khi ấy Lưu Đức Tín đem quân bản bộ đi cứu Tương Thành, thua trận ở Hỗ Giản, rồi tham gia cần vương, ban đầu đưa tàn quân đến Vị Nam, sau đó hợp quân với Thạnh. Do quân đội của Đức Tín không nghiêm chỉnh, gây ra tình trạng hỗn loạn, Thạnh nhân lúc Đức Tín đến gặp mình, kể mấy tội đem chém, sau đó đem vài kỵ binh đi phủ dụ quân đội của ông ta, khiến bọn chúng đều cảm động mà quy phục. Có thêm lực lượng của Đức Tín, thanh thế của Thạnh ngày càng lớn.

Mắc kẹt Hàm Dương

Khi ấy Sóc Phương tiết độ sứ Lý Hoài Quang cũng từ Hà Bắc cần vương, đóng quân ở Hàm Dương, không muốn Thạnh một mình lập công, bèn tâu xin hợp quân với ông, có chiếu sai Thạnh dời quân đến hội họp với Hoài Quang. Thạnh nhận chiếu dẫn quân đến Trần Đào Tà [13], lũy chưa lập xong, phản quân ập đến, ông bèn bày trận, rồi khuyên Hoài Quang cùng ra đánh, cho rằng nếu thắng có thể thừa cơ giành lại kinh sư. Hoài Quang sợ Thạnh lập công, tìm cớ thoái thác, ông biết ý, nên thu quân về lũy. Sang năm Hưng Nguyên đầu tiên (784), Hoài Quang vẫn lần lữa không tiến quân, Thạnh càng thuyết phục, hắn ta càng phản đối. Doanh trại quân Thần Sách ở phía bắc doanh trại quân Sóc Phương, mỗi lần Thạnh cùng Hoài Quang đến dưới thành Trường An, quân Sóc Phương đều cướp bóc, khiến dân chúng khổ sở, quân Thần Sách không động vào thứ gì. Quân Sóc Phương đem chia những thứ lấy được, quân Thần Sách tuyệt đối không nhận.

Sau một thời gian tìm cách ngăn cản Thạnh, Hoài Quang vẫn chưa có kế gì. Khi ấy quân Thần Sách được cung ứng nhiều hơn các cánh quân khác, Hoài Quang dâng tấu phàn nàn việc này. Đức Tông lo lắng, vì chẳng biết tìm đâu ra nguồn tài chính để cung cấp cho mọi cánh quân đồng đều với quân Thần Sách, bèn sai Hàn Lâm học sĩ Lục Chí vỗ về Hoài Quang, rồi lệnh cho ông ta cùng Hoài Quang và Thạnh bàn bạc để xử lý việc này. Hoài Quang vốn muốn ép Thạnh phải tự cắt giảm nhu yếu của quân Thần Sách chia cho các cánh quân khác, khiến ông mất lòng bộ hạ, ngay từ đầu cuộc gặp mặt đã gợi ý Thạnh xử lý vấn đề này. Lục Chí nhiều lần đưa mắt nhìn Thạnh – có ý khuyên ông chịu nhún, nhưng Thạnh thản nhiên cho rằng Hoài Quang chính là nguyên soái, thì cung ứng cho các cánh quân – bao gồm cả quân Thần Sách – như thế nào vốn là việc của Hoài Quang, mình không có ý kiến gì. Hoài Quang không có khả năng chi phối nguồn quân nhu, cũng không dám mở miệng đòi quân Thần Sách tự cắt giảm, nhất thời cứng họng, đành bỏ qua việc này.

Hoài Quang đồn trú tại Hàm Dương hơn 80 ngày, không chịu xuất quân. Đức Tông lo lắng, nhiều lần sai sứ thúc giục, Hoài Quang cũng nhiều lần tìm cớ thoái thác, mặt khác lại ngầm thông mưu với Chu Thử, dần không giấu được. Thạnh sợ quân đội của mình bị thôn tính, bèn dâng mật sớ xin dời quân Thần Sách đến Đông Vị Kiều, nhằm chia cắt thế lực của phản quân. Đế chưa đồng ý, Thạnh trình bày chứng cứ Hoài Quang làm phản, đề xuất phòng bị bằng cách: lấy các viên Bì tướng của mình là Triệu Quang Tiển làm Dương Châu thứ sử, Đường Lương Thần làm Lợi Châu thứ sử, con rể Trương Úc làm Kiếm Châu thứ sử, đều nắm 500 quân, để giữ thông suốt 2 lộ Thục, Hán, đảm nguồn cung ứng cho quân đội. Đế chưa trả lời, thì Thổ Phồn đáp ứng việc triều đình mượn quân đánh Chu Thử. Đế muốn thân chinh đến Hàm Dương đốc chiến, Hoài Quang cả sợ, ngờ rằng đế muốn đoạt binh quyền của mình, bèn gấp gáp nổi loạn. Bấy giờ liên quân ngoài Hoài Quang và Thạnh còn có Phu Phường tiết độ sứ Lý Kiến Huy, Thần Sách tướng Dương Huệ Nguyên. Thạnh biết tình thế nguy cấp, truyền lệnh có chiếu cho dời quân đến Vị Kiều, rồi kết thành trận thế mà đi. Mấy ngày sau, Hoài Quang quả nhiên thôn tính quân đội của Kiến Huy và Huệ Nguyên, Kiến Huy trốn thoát còn Huệ Nguyên bị hại.

Trù bị chiến đấu

Tướng của Thạnh là Trương Thiếu Hoằng từ hành tại đến truyền khẩu chiếu, thụ Thạnh làm Thượng thư tả bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, để trấn an lòng quân. Thạnh khóc mà nhận lệnh, rồi đào hào đắp lũy, sửa sang binh giáp, chuẩn bị chiến đấu. Thạnh bị kẹp giữa 2 thế lực Chu Thử và Lý Hoài Quang, chỉ sợ 2 người liên kết tấn công, nên nhún mình vờ tin rằng Hoài Quang vẫn trung thành với triều đình, ngoài thì nịnh nọt, trong thì đề phòng. Khi ấy lương thảo không đủ, Thạnh bèn lệnh Kiểm hiệu Hộ bộ lang trung Trương Úc tạm làm Kinh Triệu thiếu doãn, cắt đặt quan lại để thu thuế các huyện kinh kỳ ở Vị Bắc. Không đầy 1 tuần (10 ngày), lương thảo đầy đủ, Thạnh mở tiệc khao quân, rơi nước mắt kêu gọi ba quân đồng lòng đánh giặc, tướng sĩ không ai không khóc theo, nguyện ra sức vì ông.

Lúc này Chu Thử chiếm kinh thành, Lý Hoài Quang ở bên cạnh, Hà Sóc có 3 trấn (Điền Duyệt, Chu Thao, Vương Vũ Tuấn) làm loạn, Lý Nạp ngồi giữ Hà Nam, Lý Hy Liệt hoành hành Biện, Trịnh. Thạnh trong không có tài sản, ngoài không có tiếp viện, là một cánh quân đơn độc chống giặc, mà nhuệ khí chẳng suy, tấm lòng trung nghĩa làm cho người ta cảm động, tướng sĩ các nơi đều trông vào. Đái Hưu Nhan soái quân Phụng Thiên (Đức Tông đã bỏ Phụng Thiên chạy đi Lương Châu [14]), Hàn Du Côi nắm quân Bân Ninh, Lạc Nguyên Quang dùng quân Hoa Châu giữ Đồng Quan, Thượng Khả Cô dùng quân Thần Sách đồn trú Thất Bàn, đều tự nguyện chịu sự chỉ huy của Thạnh, lực lượng của ông trở nên rất mạnh, khiến Hoài Quang lo sợ. Hoài Quang nhiều lần nhận thư của Thạnh khuyên ông ta lập công chuộc tội, nhưng tự thấy lòng quân dần ly tán, lương thảo dần kiệt quệ, cướp bóc cũng không được bao nhiêu, lại càng lo sợ sẽ bị Thạnh tập kích. Tháng 3 ÂL, Hoài Quang từ Tam Nguyên và phía đông Phú Bình đi Phụng Thiên, đến đâu cũng cướp bóc, rồi từ Phùng Dực vào chiếm cứ Hà Trung. Tướng của Hoài Quang là Mạnh Thiệp, Đoạn Uy Dũng – vốn là tướng lãnh Thần Sách – nổi dậy ở Phú Bình, quy hàng Thạnh. Thạnh thu nhận quân đội của họ, tâu xin thụ Thiệp làm Kiểm hiệu Công bộ thượng thư, Uy Dũng kiêm chức Ngự sử đại phu.

Trong tháng ấy, bộ tướng của Hồn Giam (đang hộ giá) là Thượng Quan Vọng đem chiếu thư đến gia Thạnh làm Kiểm hiệu Hữu bộc xạ, kiêm Hà Trung doãn, Hà Trung Tấn, Giáng, Từ, Thấp tiết độ sứ, thêm thực phong 300 hộ, lại kiêm Kinh Kỳ, Vị Bắc, Phu Phường, Đan Duyên tiết độ chiêu thảo sứ. Bấy giờ đế muốn bỏ Lương Châu đi Tây Xuyên, Thạnh dâng biểu can ngăn. Tháng 4 ÂL, có chiếu gia Thạnh làm Kinh Kỳ, Vị Bắc, Phu Phường, Thương Hoa binh mã phó nguyên soái. Thạnh lấy Kinh Triệu thiếu doãn Trương Úc làm Phó sứ, Gián nghị đại phu Trịnh Vân Quỳ (mới từ Phụng Thiên đến) làm Hành quân tư mã, Kinh Triệu phủ Tư lục Lý Kính Trọng (mới từ kinh thành đến) làm Tiết độ phán quan. Lại xin lấy tướng cũ của Hoài Quang là Đường Lương Thần giữ Đồng Quan, cho thụ chức Hà Trung tiết độ sứ; Đái Hưu Nhan giữ Phụng Thiên, cho thụ chức Phu Phường tiết độ sứ; đế đều nghe theo. Vùng Vị Kiều vốn có hơn 10 vạn hộc lúa, Thạnh cho rằng nếu không thu về thì số lúa này sẽ bị quân của Hoài Quang dùng hết, đế đồng ý. Thạnh bèn sai bộ hạ tiến hành thu thuế, quan dân vui vẻ nộp vào, nhờ vậy mà quan quân không thiếu ăn.

Gia quyến của quân Thần Sách đều nằm trong tay Chu Thử ở kinh thành, bao gồm cả trăm người nhà của Thạnh, có người nhắc đến việc này, ông đều rơi nước mắt, cho biết đang chiến đấu thì không thể nghĩ đến gia đình. Thử sai viên tiểu lại của Thạnh là Vương Vô Kỵ gởi thư nhà cho ông, Thạnh kết tội Vô Kỵ theo giặc mà chém đầu. Gặp lúc việc tiếp vận bị gián đoạn, Thạnh chia cơm xẻ áo cho binh sĩ dưới quyền, cùng chịu lao khổ, sĩ tốt cảm động, không ai oán trách, cũng không rời bỏ ông. Lại có tướng sĩ phản quân về hàng, kể lại tình trạng khốn khó của Chu Thử, khiến sĩ khí lên cao. Tướng phản quân là Diêu Lệnh Ngôn và Trung thừa Thôi Tuyên sai gián điệp dò xét quan quân, bị kỵ binh đi tuần bắt được, giải về chỗ Thạnh, ông cởi trói, cho ăn uống rồi răn đe bọn họ về nhắn lại với Thôi Tuyên: đã trót làm giặc cũng phải làm cho tốt, chớ có bất trung lần nữa!

Tấn công cung uyển

Ngày 3 tháng 5 ÂL, Thạnh đưa quân đến cửa Thông Hóa, diễu võ rồi về, phản quân không dám ra. Sáng hôm sau Thạnh tập hợp tướng tá, bàn kế tấn công. Chư tướng muốn chiếm thành ngoài, rồi mới đến cung khuyết ở phía bắc. Thạnh cho rằng thành ngoài là nơi chợ búa, phản quân dễ lẫn vào dân chúng, gây thiệt hại to lớn; không bằng đánh thẳng vào cung uyển – nơi phản quân tập trung lực lượng, chiếm được nơi này thì chợ búa không bị tổn hại, mà kẻ địch cũng tự khắc phải bỏ chạy khỏi cung khuyết. Chư tướng khen hay. Thạnh bèn gởi thư cho Hồn Giam, Lạc Nguyên Quang, Thượng Khả Cô, hẹn bọn họ tiến quân đến dưới thành.

Đêm ngày 25 tháng ấy, Thạnh từ Đông Vị Kiều dời quân đến thôn Mễ Thương ngoài cửa Quang Thái, tiến vào kinh thành. Thạnh lên chỗ cao chỉ huy, lệnh đặt rào chông để chờ phản quân. Ít lâu sau phản quân kéo đến, các viên kiêu tướng của địch là Trương Đình Chi, Lý Hi Thiến thách đánh. Thạnh lệnh cho bọn Ngô Sân, Khang Anh Tuấn, Sử Vạn Khoảnh, Mạnh Thiệp ra đánh. Khi ấy quân Hoa Châu ở phía bắc trận địa, ít người nên bị phản quân ra sức tấn công; Thạnh sai Lý Diễn, Mạnh Nhật Hoa đưa tinh binh đi cứu. Trung quân nổi trống, Lý Diễn ra sức chiến đấu, đại phá phản quân, thừa thắng xông vào cửa Quang Thái. Đôi bên tái chiến, phản quân lại thua, tàn dư chạy vào cửa Bạch Hoa, kêu khóc ầm ĩ trong đêm.

Hôm sau, Thạnh sắp ra quân, chư tướng xin đợi quân Thổ Phồn đến, để 2 mặt giáp công. Thạnh cho rằng nếu bỏ lỡ thời cơ này, phản quân sẽ phục hồi, nên ra lệnh tiến đánh. Ngày 28, Thạnh tập hợp chư tướng là bọn Lạc Nguyên Quang, Thượng Khả Cô, Binh mã sứ Ngô Sân, Vương Bật, Đô ngu hầu Hình Quân Nha, Lý Diễn, Sử Vạn Khoảnh, Thần Sách tướng Mạnh Thiệp, Khang Anh Tuấn, Hoa Châu tướng Quách Thẩm Kim, Quyền Văn Thành, Thương Châu tướng Bành Nguyên Tuấn, phát lệnh xuất quân, bày trận ở ngoài cửa Quang Thái. Thạnh sai Vương Bật, Lý Diễn soái kỵ binh, Sử Vạn Khoảnh lãnh bộ binh, nhằm thẳng đến thôn Thần Xạ bên ngoài cung uyển. Trước đó, Thạnh cho người phá hơn 200 bộ chiều dài của bức tường cung uyển, đến nay phản quân dùng rào gỗ che chắn. Quan quân gặp rào hơi lùi lại, Thạnh đòi trị tội, Sử Vạn Khoảnh sợ, bèn đi đầu sĩ tốt, phá rào mà vào, Vương Bật đưa kỵ binh theo sau. Phản quân tan chạy, tướng địch Đoạn Thành Gián bị bắt; quan quân chia đường tiến vào, nổi trống vang trời. Diêu Lệnh Ngôn, Trương Đình Chi, Lý Hi Thiến vẫn ra sức kháng cự, Thạnh lệnh cho bọn Quyết Thắng quân sứ Đường Lương Thần, Binh mã sứ Triệu Quang Tiển, Dương Vạn Vinh, Mạnh Nhật Hoa đưa bộ kỵ cùng tiến. Phản quân kết thành trận địa nhiều lớp nhìn về phía bắc, giao chiến với quan quân hơn 10 hiệp, dần bị đẩy lùi đến cửa Bạch Hoa. Bất chợt hơn ngàn kỵ binh của phản quân xuất hiện sau lưng quan quân, Thạnh vẫy hơn trăm kỵ binh đón đánh, tả hữu hô: "Tướng công đến đấy!" Phản quân kinh sợ tan chạy, quan quân đuổi theo, chém giết không đếm xuể. Chu Thử, Diêu Lệnh Ngôn, Trương Đình Chi đưa hơn vạn quân bỏ chạy, Thạnh sai Điền Tử Kỳ đuổi theo, kỳ dư các tướng lãnh khác của phản quân đều ra hàng.

Tái lập trị an

Hôm ấy, quan quân tiến vào kinh thành, đồn trú trước điện Hàm Nguyên, Thạnh nghỉ ngơi tại nơi đặt Hữu Kim ngô vệ, lệnh cho toàn quân không được xâm phạm dân chúng, không được về thăm gia quyến trong vòng 5 ngày tiếp theo. Thạnh bèn sai Kinh Triệu doãn Lý Tề Vận, nhiếp (tạm) Trường An lệnh Trần Nguyên Chúng, nhiếp Vạn Niên lệnh Vi Thượng Nhân vỗ về trăm họ, không để xảy ra thiệt hại gì. Có tên lính của Thượng Khả Cô lấy một con ngựa của phản quân, đại tướng của Thạnh là Cao Minh Diệu bắt một kỹ nữ thuộc về phản quân, Tư Mã Trụ lấy 2 thớt ngựa của phản quân, Thạnh đều kết tội chém đầu để làm gương. Quan dân kinh thành nhờ vậy mà được yên lòng. Ngày 29, Thạnh lệnh cho Mạnh Thiệp đồn trú cửa Bạch Hoa, Thượng Khả Cô đồn trú cửa Vọng Tiên, Lạc Nguyên Quang đồn trú chùa Chương Kính, tự mình đồn trú chùa An Quốc. Trong hôm ấy, Thạnh sai chém tướng địch là bọn Lý Hi Thiến 8 người, bêu đầu ở chợ.

Ngày 4 tháng 6 ÂL, Thạnh chém những kẻ theo giặc là bọn Lý Trung Thần, Trương Quang Thịnh, Tưởng Trấn, Kiều Lâm, Hồng Kinh Luân, Thôi Tuyên, biểu dương những người bất khuất không theo giặc là bọn Trình Trấn Chi, Lưu Nãi, Tưởng Duyện, Triệu Diệp, Tiết Ngập. Sau đó Thạnh được ban chức Tư đồ, kiêm Trung thư lệnh, thực phong 1000 hộ.

Nghênh giá hồi kinh

Thạnh triệu tập bá quan chuẩn bị đón xa giá, lệnh đại tướng Ngô Sân đem 300 quân đến Bảo Kê dọn đường, lại xin đến Phượng Tường để đợi, đế không cho. Ngày 13 tháng 7 ÂL, Đức Tông về đến kinh thành, Hồn Giam, Hàn Du Côi, Đái Hưu Nhan đem quân bản bộ tòng giá, Thạnh cùng Lạc Nguyên Quang, Thượng Khả Cô đưa quân ra đón. Khi ấy quân đội tòng giá đến từ Sơn Nam, Lũng Châu, Phượng Tường có hơn 10 vạn bộ kỵ, cờ xí kéo dài mấy chục dặm, lại thêm quan dân cả thành kéo ra bên đường hoan hô. Thạnh mặc nhung phục yết kiến ở Tam Kiều, đế dừng ngựa ủy lạo. Thạnh dập đầu ở bên trái đường, tự nhận tội không sớm dẹp giặc, đế gạt nước mắt, mệnh Cấp sự trung Tề Ánh tuyên chỉ, lệnh tả hữu nâng Thạnh đến trước ngựa.

Tháng ấy, cha của Thạnh là Khâm được tặng hàm Thái tử thái bảo, mẹ là Vương thị được tặng hiệu Đại quốc phu nhân, ban cho Thạnh tòa phủ đệ ở làng Vĩnh Sùng cùng ngự điền Kính Dương, khu vườn ở cửa Duyên Bình, 8 người nữ nhạc. Ngày Thạnh vào phủ đệ, phủ Kinh Triệu bày cung trướng, đặt tiệc rượu, lại có giáo phường tấu nhạc, Cổ xuy đón đường, tất cả theo lễ tiết dành cho bậc tể tướng, người kinh sư chưa từng thấy ai được vinh dự như vậy!

Đế tự làm văn bia ghi công của Thạnh, sai Hoàng thái tử chép lại, khắc đá lập bia ở Đông Vị Kiều, lại đem phần ghi chép của Hoàng thái tử ban cho ông.